Một em viết thư nói cha mẹ em không hiểu sao bây giờ thường cắn đắn nhau, không như ngày xưa nữa, gia đình sắp đổ vỡ thì may quá... em tìm thấy cuốn
"Gió heo may đã về", mang về tặng cha mẹ, thế rồi nhờ đó mà cha mẹ em đã làm lành lại được với nhau. Có người hãy còn rất trẻ tìm cuốn
"Già ơi.. chào bạn", cuốn
"Những người trẻ lạ lùng" để dành, có người tìm đọc cả
"Nghĩ từ trái tim". Cũng lạ! Thì ra không có vấn đề tuổi tác ở đây. Nhiều người muốn có được "trọn bộ", đã gợi ý với tác giả sao không in thành một tuyển tập?
Do vậy mà ta có quyển tuyển tập Cành Mai Sân Trước này. Dĩ nhiên là vẫn còn đó những cuốn sách rời, những Gió heo may đã về, Già ơi... chào bạn, Nghĩ từ trái tim, Những người trẻ lạ lùng, Thầy thuốc và bệnh nhân, Như ngàn thang thuốc bổ... riêng lẻ, để phù hợp với từng đối tượng, từng lứa tuổi...
Cành Mai Sân Trước là một cái tên chung mà tôi đã chọn để gọi tuyển tập này, tuyển tập dành cho người có tuổi. Tại sao ư? Tại vì mãi đến cuối thế kỷ 20, năm 1999, Liên Hợp Quốc mới có một năm dành cho người cao tuổi, cho người già trên toàn thế giới, gọi là "Năm quốc tế người cao tuổi" với khẩu hiệu là "Hãy sống một tuổi già tích cực", bởi vì trước đó người ta chỉ nghĩ về tuổi già như là tuổi của tàn phai, héo úa, ăn hại, là gánh nặng xã hội... cho đến khi giật mình thấy không phải thế! Con người ở tuổi nào cũng sẽ là gánh nặng cho xã hội, cũng ăn hại, cũng tàn phai... nếu sống mà không ra sống, sống mà như đã chết, sống mà không hạnh phúc, không có chất lượng cuộc sống, sống mà lệ thuộc, mà khổ đau triền miên...
“Cành Mai Sân Trước” như là một biểu hiện của sự sống tích cực, của sự sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc dành cho người cao tuổi, mà nói cho cùng thì chẳng có ai là người cao tuổi cả, bởi ai cũng có một người nào đó cao tuổi hơn mình ở một nơi nào đó.
“Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua sân trước một cành mai.”
Đừng quên vậy!
Đỗ Hồng Ngọc
Saigon 11-2003