Lấy chất liệu từ đời sống của bà con nông dân, cụ thể Vĩnh Long, nơi tác giả sinh ra, Nguyễn Thị Thụy Vũ dựng lại với những câu chuyện tình yêu, tình đời trong sự đổi thay của thời cuộc. Có thể nhìn thấy qua Cho trận gió kinh thiên, Như thiên đường lạnh, Chiều xuống êm đềm, Khung rêu, Nhang tàn thắp khuya... Ở đây, không chỉ là những biến động dữ dội bên ngoài xã hội mà còn là sự giằng xé, hỗn tạp, đa chiều từ nội tâm của nhiều mẫu nhân vật.
Sức hấp dẫn của Nguyễn Thị Thụy Vũ chính là câu chuyện gia đình, những cuộc hôn nhân éo le, gãy đổ do ràng buộc nghiêm ngặt của quan niệm cũ kỹ và những đổi thay bên ngoài của thời cuộc. Các tình tiết ấy, dù có lúc gay cấn, nhiều sắc màu hỉ, nộ, ái, ố nhưng trong bút pháp miêu tả, tạo nên các tình huống, các tuyến nhân vật - Nguyễn Thị Thụy Vũ vẫn giữ lại sự trong sáng, chuẩn mực, nhất là ở các nhân vật nữ dù họ có ý thức vượt ra ngoài.
Ở mảng đề tài này, có một điều cần ghi nhận ngoài lời ăn tiếng nói rặt ròng Nam bộ, tác giả còn có biệt tài quan sát khi miêu tả sinh hoạt nghệ thuật quen thuộc ở nông thôn miền Nam thuở ấy, chẳng hạn: hát bội đình làng, giải sầu ca vọng cổ; ngoài ra còn là sự miêu tả các món ăn dân dã, quê mùa rất đỗi thân thương... nay đã ít nhiều trở thành dĩ vãng.
Tác giả
Nguyễn Thị Thụy Vũ
Tên thật là Nguyễn Thị Băng Lĩnh, Sinh năm 1937 tại Vĩnh Long. Trước năm 1965, là cô giáo dạy học ở Vĩnh Long. Sau đó lên Sài Gòn bắt đầu nghiệp viết.
Bà là một trong năm nữ nhà văn nổi tiếng nhất của văn học miền Nam trước 1975. Câu chữ giản dị, không quá thiên về kỹ thuật, không hạn chế sử dụng ngôn từ dân gian đậm chất Nam Bộ là “phong cách” rất riêng của bà. Đọc truyện của bà, người ta có cảm giác được nghe người từng trải tỉ mỉ kể lại những câu chuyện đời, không hề xen những bình phẩm mà từng nhân vật cứ lần lượt thể hiện mình qua cái nhếch mép kín đáo, cái chớp mắt cúi mặt để lướt qua những cơn buồn…
Các tác phẩm của bà từ năm 1965-1975:
Tập truyện ngắn:
- Mèo đêm
- Lao vào lửa
- Chiều mênh mông
Truyện dài:
- Khung rêu (Giải thường Văn học miền Nam, 1971)
- Thú hoang
- Nhang tàn thắp khuya
- Ngọn pháo bông
- Như thiên đường lạnh
- Chiều xuống êm đềm
- Cho trận gió kinh thiên