GIÚP CHỒNG THÀNH CÔNG
Tác giả:
Dorothy Carnegie
Dịch giả: Nguyễn Hiến Lê
"Tôi viết cuốn này cho hạng độc giả trung lưu, có những ước vọng thông thường và có những khả năng như phần đông chúng ta. Những trường hợp đặc biệt thuộc về phạm vi các nhà chuyên môn nên tôi không xét đến. Những qui tắc mà độc giả sẽ đọc có kết quả cụ thể trong chín mươi lăm phần trăm trường hợp, như vậy cũng là khá rồi. Tôi đã cố trình bày những qui tắc đó một cách rất giản dị và hiệu quả.
(...) Thời này, mỗi ngày càng khó làm giàu, vì càng lên cao trên cái thang xã hội thì thang càng hẹp, mà chỗ đứng càng hiếm. Nhưng tôi có thể quả quyết rằng người đàn bà nào theo qui tắc của tôi một cách thông minh và có ý thức, có thể phá được nhiều vật trở ngại, nó ngăn cản bước tiến của chồng trên đường đời".
Dorothy Carnegie
33 Câu Chuyện Với Các Bà Mẹ
Tác giả:
Benjamin Spock
Dịch giả: Nguyễn Hiến Lê
"Độc giả sẽ thấy ông đề cập tới bảy vấn đề từ sức khỏe của trẻ, tới tâm lý, các tật xấu, các nỗi sợ hãi, ưu tư, sự phát hiện của lương tâm, nhu cầu được che chở, mà vẫn được tự do của chúng; ông lại không quên vấn đề làm cho các bậc cha mẹ khắp thế giới - nhất là ở nước ta - hiện nay đang lo ngại, tức nạn thiếu nhi phạm pháp mỗi ngày một bành trướng."
Nguyễn Hiến Lê
Tìm Hiểu Con Chúng Ta
Tác giả:
Nguyễn Hiến Lê
Thay lời tựa
Trong cuốn Thời mới, dạy con theo lối mới, chúng tôi đã vạch những quy tắc của một phương pháp giáo dục mới, phương pháp thuận phát nghĩa là thuận theo những luật thiên nhiên về sinh lý và tâm lý để giúp trẻ phát triển - và áp dụng phương pháp đó trong việc sửa chữa những tật thông thường nhất của trẻ.
Muốn áp dụng quy tắc vào trường hợp của mỗi trẻ, điều cần nhất là ta phải hiểu trẻ đã. Trẻ nào cũng chịu những luật chung về phát triển, chẳng hạn ba tuổi bắt đầu có ý thức về bản ngã, sáu tuổi hung hăng nhất, bảy, tám tuổi trở lại dễ thương, mười ba mười bốn tuổi bắt đầu dậy thì...; nhưng đồng thời, mỗi em cũng là một cá nhân riêng biệt, có một bản ngã riêng biệt, những tính tình riêng biệt, và phản ứng với hoàn cảnh chung quanh theo một lối riêng biệt.
Vĩ lẽ đó, chúng tôi soạn thêm cuốn Tìm hiểu con chúng ta này để bổ túc cuốn trước và giúp các bậc cha mẹ cùng thầy dạy thấy rõ nhữmg luật chung chi phối toàn thể trẻ em và những luật riêng chi phối từng em.
Sách gồm ba phần: phần thứ nhất bàn về những luật chung, phần thứ nhì về những luật riêng và phần thứ ba ghi chép những phương pháp mới mẻ để dò xét tinh thần cùng tâm lý trẻ em.
Vấn đề thì mênh mông mà sách lại sơ lược, nhưmg chúng tôi mong rằng ít gì nó cũng giúp độc giả nhận thức được điều này : trẻ em là một thế giới bí mật, cho nên ta phải gắng tìm hiểu, và càng tốn công tìm hiểu bao nhiêu thì càng có lợi cho trẻ và cho ta bấy nhiêu.
Sài Gòn, 15-6-1958
Săn Sóc Sự Học Của Con Em
Tác giả:
Nguyễn Hiến Lê
Khả năng của dân tộc Việt Nam thật là đáng kính! Từ đầu thế kỉ đến nay, khắp thế giới, chưa nước nào chịu nạn chiến tranh lâu như nước ta, non chín năm trời rồi, nếu kể cả từ hồi quân đội Nhật Bản đổ bộ lên Hải Phòng thì là trên mười hai năm. Điều làm cho ta tự hào nhất là trong những hoàn cảnh như vậy mà sự học vẫn phát triển, đều đều và mạnh mẽ. Trường học dựng lên nhiều. Khắp nước tiếng học vang lên. Hồi tiền chiến, cả nước may lắm được độ mười lăm trường Trung học, bây giờ có tới trên trăm rưỡi. Riêng tỉnh Long Xuyên, một miền hẻo lánh ở Hậu Giang có bốn trường Trung học, một công và ba tư. Còn trường Tiểu học thì vô số; nội một con đường nhỏ ở Tân Định (Sài Gòn) là đường Monceaux dài khoảng trăm thước, ta đã đếm được bốn trường. Dân số trong miền chiếm đóng chỉ bằng nửa dân số toàn quốc mà số học sinh ban Tiểu học tăng lên gấp năm, ban Trung học tăng lên gấp mười. Chúng ta quả là một dân tộc hiếu học và tiền đồ của quốc gia phải chói lọi ở phương Đông này.
Sự học mạnh tiến như vậy là do nhiều nguyên nhân. 'Hồi trước người ta hạn chế sự giáo dục, không mở thêm trường, đặt ra những kỳ thi gắt gao để lựa học sinh, không khuyến khích sự mở trường tư; bây giờ thì ngược lại, nên học sinh tăng lên rất mau.
Hồi trước, dùng tiếng Pháp làm chuyển ngữ ngay tứ ban Tiểu học nên chỉ có một số học sinh thông minh đôi chút mới theo nổi; bây giờ Việt ngữ thay thế Pháp ngữ thì trẻ nào, miễn là không có bệnh tật và được học đều đều, cũng có thể theo hết ban Trung học đệ nhất cấp.
Sau cùng, chính các bực phụ huynh học sinh cũng trọng sự học của con em hơn trước. Trong mấy năm nay, chúng ta thấy biết bao gia tài tưởng ngồi ăn suốt đời cha và đời con cũng không hết, mà ngờ đâu, khói lửa chiến tranh chỉ mới tạt qua một lần, đã tan ra tro bụi! Như vậy thì để của cho con mà làm gì? Có dư bao nhiêu, dùng hết vào sự học của trẻ bấy nhiêu là yêu chúng đấy.
Rồi chúng ta lại nghĩ xa hơn: nước Việt Nam độc lập sẽ thiếu rất nhiều cán bộ trong mọi ngành hoạt động, ta phải đào luyện con em để chúng lãnh nổi nhiệm vụ giữ gìn non sông và kiến thiết quốc gia sau này.
Nghĩ vậy nên nhiều vị nhịn ăn nhịn tiêu cho con em ăn học. Tôi biết một vị ở Lục tỉnh bỏ ra ba phần năm số lương để nuôi ba người con ăn học ở Sài Gòn; một vị khác, ngày ngày bận chiếc áo vá vai, vá lưng, đạp chiếc xe máy cũ, đi hớt tóc dạo trong những xóm lao động mà tháng nào cũng vậy, mỗi mùng 1 mùng 2 đã đem đủ 600$ lại đóng tiền học cho hai người con ở ban Trung học một tư thục nọ. Chưa bao giờ người cha Việt Nam hi sinh cho con bằng lúc này.