Các bạn đang cầm trên tay bản dịch cuốn sách có tên “Hướng dẫn học tập môn Xã hội” (Bộ giáo dục Nhật Bản, 1947) do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm ấn hành. Nếu chỉ nhìn vào mặt thời gian, đương nhiên đây là một cuốn sách đã cũ, được Bộ giáo dục Nhật Bản xuất bản cách chúng ta gần 70 năm. Tuy nhiên khi đọc nó, các bạn sẽ thấy nội dung cuốn sách cho dù được viết ra từ gần 70 năm trước ở nước Nhật xa xôi vẫn còn nguyên tính thời sự và có ích với bạn đọc Việt Nam.
Đối với dân tộc Nhật, năm 1947 là một thời điểm đặc biệt. Đó là năm mà bản Hiến pháp mới với ba nguyên lý “hòa bình”, “dân chủ”, “tôn trọng con người” có hiệu lực. Nền giáo dục mới được xúc tiến xây dựng dựa trên nền tảng hiến pháp đó. Tiếp sau sự ra đời của các bộ luật giáo dục như Luật giáo dục cơ bản, Luật giáo dục trường học…., bản “Hướng dẫn học tập tổng quát”, văn bản chỉ đạo của Bộ giáo dục về nội dung, phương pháp giáo dục dành cho toàn bộ hệ thống giáo dục phổ thông được ban hành. Căn cứ trên bản “Hướng dẫn học tập tổng quát” này, các bản Hướng dẫn học tập dành cho từng môn học lần lượt được công bố. “Hướng dẫn học tập môn Xã hội” là cuốn sách ra đời trong bối cảnh đó. Cuốn sách này được Bộ giáo dục Nhật Bản thông qua 18/4/1947 và phát hành trên toàn quốc 5/5/1947.
“Xã hội” là cách gọi vắn tắt của môn “Nghiên cứu xã hội” (Social Studies), môn học vốn có nguồn gốc từ Mỹ. Đây là môn học hoàn toàn mới, lần đầu tiên được du nhập vào chương trình phổ thông của Nhật Bản. Bộ giáo dục Nhật Bản và các nhà cải cách giáo dục ngay từ đầu đã xác định môn “Xã hội” sẽ đóng vai trò trọng tâm trong công cuộc cải cách giáo dục nhằm tái thiết và xây dựng nên nước Nhật Bản mới. Mục tiêu của môn học có mặt ở cả ba cấp học phổ thông này đã thể hiện một cách tập trung và rõ ràng nhất triết lý của nền giáo dục mới: giáo dục nên người công dân dân chủ.
“Hướng dẫn học tập môn Xã hội”, đúng như tên gọi của nó, trình bày cụ thể về mục tiêu, nội dung, phương pháp chỉ đạo và đánh giá học tập môn Xã hội trong trường phổ thông mà trọng tâm là 6 năm tiểu học. Đọc nó hẳn các bạn sẽ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi thấy rằng những nguyên lý giáo dục hiện đại và có tính phổ biến đã được người Nhật đề cập và nỗ lực thực hiện từ rất sớm như: giáo dục lấy học sinh làm trung tâm, coi trọng kinh nghiệm xã hội của học sinh, coi trọng phân quyền địa phương và tự trị trường học, học tập tổng hợp (tích hợp), học tập theo chủ đề…
Gần 70 năm trôi qua, nền giáo dục Nhật Bản đã trải qua rất nhiều thăng trầm và bản thân môn Xã hội cũng có nhiều thay đổi so với thời điểm năm 1947. Tuy nhiên, về cơ bản mục tiêu và các nguyên lý cơ bản nhất của môn Xã hội vẫn được duy trì trong chương trình giáo dục phổ thông hiện tại. Môn Xã hội vẫn tiếp tục được duy trì ở cả ba cấp học cho dù cơ cấu các phân môn đã được nhiều lần sửa đổi. Vì vậy, “Hướng dẫn học tập môn Xã hội” trở thành tư liệu có tính chất kinh điển cho những ai quan tâm và muốn tìm hiểu về giáo dục nói chung và giáo dục môn Xã hội nói riêng ở Nhật Bản sau 1945.
Trong quá trình nghiên cứu về giáo dục lịch sử ở Nhật Bản, tôi đã tiếp xúc với cuốn sách mà giờ đây đã trở thành tư liệu lịch sử này. Đọc nó trong tâm thế nghĩ về cuộc cải cách giáo dục đang tiến hành ở Việt Nam, tôi quyết định dịch nó ra tiếng Việt. Hy vọng cuốn sách sẽ đem lại những thông tin hữu ích cho cả các nhà quản lý, các giáo viên trực tiếp giảng dạy và các bậc phụ huynh đang ngày đêm thiết tha với sự nghiệp giáo dục nước nhà.
Nhật Bản, tháng 1/2015
Nguyễn Quốc Vương