Cuốn sách được viết bởi nhà văn Phạm Quỳnh - người đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình vua Bảo Đại từ năm 1932 như: Ngự tiền văn phòng, Thượng thư Bộ Học và Thượng thư Bộ Lại. Tác phẩm ra đời sau chuyến đi kéo dài hơn một tháng của ông tại Nam Kỳ.
Trong khoảng thời gian hơn 1 tháng này, Phạm Quỳnh đã đi đó đi đây khắp Lục tỉnh, mắt thấy tai nghe tỏ tường nhiều sự, mở rộng kiến văn. Sau khi về Bắc, ông cho đăng tập du ký “Một tháng ở Nam kỳ” trên Nam Phong tạp chí, kể lại chuyến đi, “đem lời thành thực mà giãi bày bàn bạc cùng quốc dân”. Theo nội dung tập du ký, ngày 21/8/1918, Phạm Quỳnh từ Hà Nội đi xe lửa đến Hải Phòng. Ngày hôm sau (22/8), ông rời Hải Phòng bằng tàu thủy Porthos, bắt đầu chuyến hành trình vào Nam. Bốn ngày sau, tàu cập cảng Sài Gòn. Ngồi trên chiếc xe kéo băng qua cầu Khánh Hội, vị khách phương Bắc lần đầu tiếp xúc cái khí vị của Sài Gòn - một thành phố mang đậm dấu ấn phương Tây, nơi sầm uất bậc nhất phương Nam.
Tập du ký không chỉ ghi lại tỉ mỉ và sinh động những gì tác giả thấy và nghe được về con người, văn hóa, phong tục, địa lý, lịch sử, kinh tế… của vùng đất Nam Kỳ, mà còn đưa ra nhiều nhận định sâu sắc về hoạt động báo chí, xuất bản, tinh thần hợp quần, và cả những vấn đề thời sự như “họa Chệt, họa Chà” - những vấn đề được viết cách đây hơn 100 năm nhưng đến nay vẫn còn mang tính thời sự.
Trích đoạn nổi bật
“Nếu hết thảy các nhà làm báo ai cũng hiểu cái nghĩa vụ của nghề làm báo thì còn nghề gì đẹp bằng, hay bằng, cao thượng bằng, đủ khiến cho người ta tận tụy một đời mà theo đuổi cho cùng?”
“Một lời công luận của ta có thể làm cho người ta bỏ đường tà mà theo đường chánh, hay là bỏ đường chánh mà theo đường tà được.”
Những trăn trở và khát vọng về báo chí, giáo dục, văn hóa, đạo đức, chính trị… của Phạm Quỳnh trong giai đoạn giao thời vẫn mang tính thời sự sâu sắc, ngay cả sau hơn 100 năm.
Về tác giả Phạm Quỳnh
Phạm Quỳnh (1892–1945), hiệu Thượng Chi, bút danh Hoa Đường, Hồng Nhân.
Nhà văn, nhà báo lớn đầu thế kỷ XX, từng giữ chức vụ:
Ngự tiền văn phòng
Thượng thư bộ Học
Thượng thư bộ Lại dưới triều vua Bảo Đại
Ông từng làm việc tại:
Viện Viễn Đông Bác cổ
Đông Dương tạp chí
Chủ bút Nam Phong tạp chí
Giảng sư tại Trường Cao đẳng Hà Nội