"Tôi may mắn được những thuận duyên dẫn dắt từ nhỏ. Năm 12 tuổi, tôi mồ côi cha về sống với người cô trong một ngôi chùa Tàu nên được nghe cô tụng kinh mỗi ngày. Sau này, tôi có một ông bác xuất gia. Tôi còn học ở Đại học Vạn Hạnh một thời gian, có dịp tiếp xúc với kinh sách và các thầy, được nghe thầy Thích Minh Châu giảng. Sau này, làm việc nhiều quá, tôi cũng bị xao lãng đi. Đến khi bị tai biến mạch máu não phải nằm bệnh viện, tôi có cơ hội nhìn lại quãng đời đã qua của mình. Lúc này, có một người bạn gửi cho tôi bản Bát Nhã Tâm Kinh (cuốn
Trái Tim Hiểu Biết – Nhất Hạnh). Tôi đọc và thấy mình có thể hiểu được, thấm được! Trước đó, tôi cũng đọc các thứ nhưng chủ yếu bằng tri thức mà chưa thấm, chưa hiểu. Phải qua trải nghiệm ranh giới giữa sống chết như thế, tôi mới nhận ra được nhiều thứ hơn. Lần đầu tiên sau khi mổ xong, bước chân được xuống đất đi vài bước, tôi thấy quả là phép lạ! Tôi đã thấy rõ thế nào là hạnh phúc và nhận thức rõ hơn về cách sống như thế nào để thoát khỏi những vướng bận, những khổ đau. Là một người thầy thuốc, tôi mong tìm một phương cách chữa trị bệnh tâm thân cho chính mình và giúp đỡ mọi người, nên sau Tâm Kinh, tôi tiếp tục học hỏi thực tập thêm nhiều kinh Phật khác.
Cuốn
Nghĩ từ trái tim tôi viết bằng cảm xúc, bằng sự thể nghiệm đời sống chứ không phải bằng suy luận lý trí. Mất 2 năm để nghiền ngẫm và 6 tháng để viết. Cứ mỗi ngày khám bệnh xong, tôi lại bắt đầu viết, viết “như điên”, có khi tới 2, 3 giờ sáng. Tôi cứ viết ra tất cả những gì mình nghĩ, những cảm nhận mình có được.
Viết xong, tôi thấy mình như được... giải thoát! Tôi thận trọng đưa bản thảo viết tay cho hai người bạn Phật tử đọc giùm rồi còn nhờ ni sư Trí Hải đọc lại. Ni sư nói hôm đó bị cúp điện, phải đốt đèn cầy mà đọc “chữ bác sĩ” cho tới sáng, gọi điện ngay góp ý đôi chỗ rồi khuyên tôi nên cho in ra. Tôi nghe lời, “liều mạng” in thử, ban đầu nhà xuất bản cũng ngại nhưng sau lần in thứ nhất được độc giả hoan nghênh và đến bây giờ thì đã tái bản rất nhiều lần. Ở Mỹ, một Việt kiều in lại để biếu không ở các tiệm cơm chay. Ở Úc, người ta đọc thành 4 buổi trên đài phát thanh và ra CD. Thường thì khi làm xong, người ta mới tặng tôi một mẫu để làm kỷ niệm và cũng gọi là để… xin phép sau. Tôi cũng không ngờ cuốn sách này của mình lại được đón nhận nồng nhiệt như vậy. Có một kỷ niệm cảm động: một nữ độc giả viết thư nói bà nội cô rất yêu thích cuốn
Nghĩ Từ Trái Tim, mỗi ngày đều bắt các chác đọc cho bà nghe, khi bà mất, các cháu đã đốt cuốn sách theo cho bà…"
~ Đỗ Hồng Ngọc ~