Tôi vốn ít hay cười. Ngay từ nhỏ, người ta đã gọi tôi là “một ông cụ non”, vì lúc nào cũng có vẻ đạo mạo, nghiêm túc quá. Sau này ra hành nghề, làm một người thầy thuốc, một người dạy học, hướng dẫn sinh viên, tôi như càng nghiêm túc, đạo mạo hơn. Tại cái tạng, biết sao! Thấy bạn bè vui vẻ, khoái hoạt... tôi cũng thích lắm mà không làm sao bắt chước được. Chỉ đôi khi đọc sách có chỗ nào dí dỏm thâm trầm, kín đáo một chút, tôi mới tủm tỉm cười một mình. Tôi củng không biết hút thuốc, uống rượu, không bia bọt, thường chỉ “phá mồi” trong những bữa họp mặt đông vui làm bạn bè vừa thương vừa giận. Cũng tại cái tạng thôi. Trong nhiều năm trời, tôi làm việc như điên, cho đến một hôm người ta phải đưa tôi vào bệnh viện để mô sọ cấp cứu vì tai biến mạch máu não. Người ta cạo trọc đầu tôi, đục hai lỗ thủng, rồi đặt ống dẫn lưu cho máu chảy vào hai chai nhỏ treo toòng teng bên dưới. Khi tỉnh dậy, nằm trần truồng trên băng ca ở phòng hậu phẫu lạnh ngắt, đắp một tấm “ra” mỏng trên người, tôi nghĩ thế là xong! Một cô điều dưỡng thực tập đến tiêm thuốc, đọc hồ sơ thấy tên tôi, em hỏi có phải bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc “phòng mạch mực tím” không, tôi ú ớ gật. Thế là em kêu lớn: Các bạn ơi, lại “coi” bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nè!
Thì ra lâu nay các em đọc báo, biết tên tôi nhưng chưa biết mặt. Tôi không khỏi tức cười nghĩ lâu nay mình làm thầy thuốc đã “coi” của người ta cũng hơi nhiều rồi, bây giờ người ta coi lại một chút cũng phải thôi... Sau đó, mấy người bạn thân còn kể lại, khi nghe tin tôi bệnh nặng như vậy, họ đã tổ chức một buổi nhậu “ăn mừng” vì lâu nay tôi là người cứ hay khuyên họ bớt hút thuốc, bớt uống rượu để tránh nguy cơ bệnh tật!
Từ đó, tôi bắt đầu biết... cười hơn. Khi đi lại được thì việc đầu tiên là tôi nhìn vào gương để cười cái đầu trọc lóc lún phún của mình, cái bộ râu xệu xạo của mình. Tôi đi lại quanh sân, lượm những hòn sỏi nhỏ và ngạc nhiên thấy những hòn sỏi đó có cái giống Tôn Hành Giả, có cái giống Trư Bát Giới, Tam Tạng, Đạt Ma Sư tổ... Tôi lại đọc được báo. Tôi lựa các chuyện cười đọc trước. Nó giúp tôi tủm tỉm khi gặp một chuyện hay, hạp với mình. Nhiều chuyện thấy đăng báo này rồi lại đăng báo khác, hết người này sưu tầm lại đến người khác sưu tầm. Tôi cắt để dành những chuyện mình thích để đọc đi đọc lại cho vui. Chủ yếu là các chuyện cười về ngành Y, chuyện trẻ con, chuyện nước ngoài... Cũng không thể nhớ đã lấy từ những báo nào, chuyện do ai sưa tầm, phiên dịch hay sáng tác... Có chuyện tôi ghi theo lời kể của bạn bè, có khi từ một cuốn băng phim... Bạn bè đến thăm, đem chuyện cười ra đọc Bạn lại kể thêm. Hình như mỗi người đều có một kho chuyện cười trong bụng. Và mỗi lần kể đều thêm thắt, sáng tạo cho hợp hoàn cảnh lúc đó. Tôi lại chép chép ghi ghi theo trí nhớ mình. Ba năm như vậy đã đầy hai cuốn sổ tay. Bạn bè mượn chuyền nhau đọc.
Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2001, đã in của tôi hai cuốn
Những người trẻ lạ lùng và
Thầy Thuốc & Bệnh Nhân, hỏi còn cái gì “vui vui” nữa không. Tôi nghĩ tại sao không nhơn bản hai cuốn sổ tay này ra cho có thêm nhiều người cùng tủm tỉm với mình, những người cao tuổi, sống cô đơn, ít bạn bè, ít đi lại; những người bị bệnh mạn tính, gặp nhiều khó khăn trong đời sống, luôn bực bội, thiếu niềm tin. Ông bà ta nói “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”, vậy sao một người thầy thuốc đã từng trải những nỗi khổ đau vì bệnh tật như tôi lại không thể kê một toa “thuốc bổ” cho chính mình bằng những nụ cười và chia sẻ chút gì đó cho bạn bè, biết đâu cũng gợi chút niềm vui. Vì thế mà bạn có trong tay cuốn
“Như ngàn thang thuốc bổ" này. Tôi hy vọng bạn sẽ cũng như tôi được tủm tỉm đôi chút, cho vui, cho quên.
Tôi vô cùng biết ơn những người đã sáng tác, phiên dịch, sưu tầm… và đặc biệt là các báo (Sài Gòn Giải Phóng, Tuổi Trẻ, Lao động, Sức khỏe Tp. Hồ Chí Minh…) đã đăng tải phần lớn những chuyện cười này để hôm nay chúng ta dịp nhâm nhi và tủm tỉm với nhau. Có điều chi thiếu sót rất mong được lượng thứ.
Thân mến,
Đỗ Hồng Ngọc